“Nhiều khi đang họp cũng nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác mời chào mua bất động sản, hàng hóa” – Ông Vũ Hồng Thanh , Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết.
Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Trình bày về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới. Dự thảo luật bổ sung quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Nêu kết quả thẩm tra sơ bộ về dự án luật, ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – đánh giá nội dung nổi bật của dự án luật này là đưa các quy định để bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
“Để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng” – ông Huy nhấn mạnh.
Về việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ cần bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Góp ý về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đặt vấn đề, doanh nghiệp, tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin người tiêu dùng để nghiên cứu, phục vụ sản xuất, kinh doanh sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, thời gian qua tồn tại tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác giới thiệu về bất động sản, mua hàng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
“Nhiều khi đang họp cũng nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác mời chào mua bất động sản, hàng hóa” – ông Thanh dẫn chứng và cho rằng thực tế đang đòi hỏi tại dự án luật phải có quy định để ngăn chặn tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba lợi dụng việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, tránh bị lạm dụng và gây phiền toái.
Đối với các hành vi bị cấm, ông Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, trong điều kiện kinh doanh trên môi trường mạng ngày càng phát triển, hiện nay đang có hiện tượng lợi dụng đánh giá về hàng hóa, dịch vụ xâm phạm tổ chức, cá nhân cung cấp. Do vậy, cần nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện hơn nữa quy định về lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Cho ý kiến với dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vấn đề bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay chưa có luật điều chỉnh đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an đã nêu rõ việc hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, Chính phủ xây dựng và ban hành nghị định để có căn cứ pháp lý tiến hành các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, sau đó xúc tiến xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, dù chưa có luật điều chỉnh riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, song Luật An ninh mạng cũng có quy định điều chỉnh vấn đề này và đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tính tương thích của dự án luật này với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định áp dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật liên quan, bảo đảm rõ ràng, cụ thể, khả thi, bao quát được thực tiễn phát sinh và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, các phương thức kinh doanh và tiêu dùng mới. Từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với giao dịch điện tử, các giao dịch đặc thù (từ xa, đa cấp); bảo đảm phù hợp với các yêu cầu hội nhập quốc tế; có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước…
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10 sắp tới.